Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình – Nơi Lòng Người Đi Biển Hướng Về

Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình là một trong năm trăm ngôi chùa cổ may mắn còn sót lại sau thời kỳ chiến tranh. Là nơi linh thiêng được người dân nơi đây và phật tử tứ phương luôn hướng về.

Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình nay thuộc xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch. Trên  tuyến đường 1 A Bắc Nam khi đến phía Nam cầu Lý Hòa rẽ về phía Đông 2km là đến Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình.

Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình
Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình

Lịch Sử Hình Thành Chùa Quan Âm Tự

Theo các vị cao niên trong vùng kể lại thì vào thời vua Gia Long, tháng 7/1802, một ngư dân trong vùng tên là Hồ Lương Đường trong một lần đánh cá ngoài biển, đã kéo lên được một pho tượng bằng đá, ông sợ hãi trả tượng phật xuống biển trở lại và quay về nhà. Ngày hôm sau, ông lại ra biển và chọn vùng biển xa khu vực ông thả lưới hôm qua nhưng khi kéo lưới lên ông lại kéo được pho tượng mà ông đã kéo được ngày hôm qua. Lần này ông không trả tượng phật về biển nữa mà với tấm lòng của người đi biển ông suy nghĩ  có lẽ đây là ý trời, lộc trời ban phát cho làng biển quê ông được đức phật giáng thế cứu độ chúng sinh, để phù hộ độ trì cho ngư dân quê ông trời yên biển lặng có những chuyến biển cá tôm đầy thuyền để cuộc sống bình yên ấm no hơn. Vì thế mà ông không tiếp tục đánh cá nữa mà cẩn trọng đưa pho tượng vào bờ và đặt lên gò cát cao, thoáng có vị thế đẹp bên những cồn cát vùng biển quê ông. Sang ngày ra biển thứ ba, ông Đường tiếp tục kéo lên được một bệ đá, hai chiếc cối và hai chiếc chày bằng đá nên ông đã đưa vào bờ đặt tại gò cát nơi ông đặt pho tượng và báo ngay cho dân làng biết.

  Sau đó, để cảm ơn trời đất và giữ gìn ân huệ được ban tặng và cũng là để có nơi cho ngư dân cầu xin bình yên, may mắn trong mỗi lần ra biển, dân làng Đức Trung đã dựng nên ngôi nhà bằng tre lợp tranh để thờ phụng đức phật Quan Âm để cầu phúc cầu tài.

Mọi người trong vùng thường kể về câu chuyện trước khi may mắn gặp được tượng phật thì vùng đất này khá bất ổn. Các chuyến đi biển thường không thu được nhiều sản phẩm, và bất trắc. Nhưng từ ngày duyên trời gặp được tượng phật và dựng chùa thì mọi việc trở nên may mắn, suôn sẻ, làm ăn phát đạt hơn nhiều.

Đến năm 1843, thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân, chùa đã được khởi công xây dựng với quy mô lớn hơn với bàn tay của những nghệ nhân tài hoa. Công trình với sự góp công góp sức của bà con trong khắp các vùng đã được hoàn thành sau hai năm.

Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình
Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình

Quy mô và kiến trúc chùa Quan Âm Tự

Chùa Quan Âm Tự Quảng Bình là ngôi chùa có quy mô khá lớn tọa lạc trên một khu đất cao khoảng 15m, rộng 10.000m2 trông giống như một bông sen khổng lồ, sát bờ biển và ngã ba sông Lý Hòa thuộc xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, rất thuận tiện cho khách tham quan cả bằng đường thủy lẫn đường bộ.

Chùa làm bằng gỗ lim, theo phong cách kiến trúc Phương Đông, có hàng rào xung quanh. Chùa có tiền đường, thượng điện, nhà thờ tổ, tam quan, gác chuông. Khác với chùa khác của Việt Nam, phần nhiều do giai cấp quý tộc hay đồng minh của nó xây dựng, nên thể thức kiến trúc không có tính chất dân gian. Chùa Quan Âm do nhiều cánh thợ ở các nơi đến làm. Mỗi cánh thợ làm một bộ phận. Vì thế các nhóm thợ thi nhau làm cho đẹp để lấy tiếng. Thợ làm chùa Quan Âm Tự là những người tự do, không bị quyền lực nào khống chế gò bó, câu thúc. Bởi thế những tác phẩm điêu khắc ở chùa trang trí đầy óc sáng tạo. Hình rồng, phượng ở chùa mỗi con mỗi vẽ. Xung quanh chùa là vườn cây trái, một không gian thoáng đảng yên tỉnh.

Buổi đầu chùa chỉ thờ tượng quan âm vớt được ở dưới biển. Dần về sau, do có nơi thờ phụng trang nghiêm nên tăng ni, phật tử trong chùa đã thỉnh về và nhiều vị cao tăng phật tử các nơi đã tiến cúng nhiều tượng cho chùa. Phật điện dần đông lên. Hiện nay, trong chùa có tượng hộ pháp, bộ tượng tam thế, a di đà, quan âm bồ tát, đại thế chí, được sư lưu ly, địa tạng, thích ca sơ sinh, ngọc hoàng, nam tào, bắc đẩu, hộ pháp long thiên, đạt ma tổ sư…Tất cả có 30 pho tượng. Các tượng được làm bằng chất liệu khác nhau như đá, đồng, gỗ và có niên đại từ thế kỷ 18 đến 19. Các hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng đa phần nói về phật pháp nhiệm màu và có nhiều bức đại tự. Chùa Quan Âm Tự có một số hiện vật rất quý như: Hai chiếc cối đá và 2 chiếc chày đá, có, niên đại khoảng thế kỷ thứ 7, thứ 8. 2 chiếc đại hồng dung được đúc vào thời Tự Đức, chuông nặng 200 kg, tăng ni, phật tử ở đây coi như một báu vật. Trên chuông khắc một bài văn bia ca ngợi chốn danh lam thắng tích, nhắc lại truyền thuyết vớt được tượng quan âm.

Chùa là nơi gắn liền với cách mạng Việt Nam

Sau gần 140 năm tồn tại, tháng 5-1972, trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt, dân quân Đức Trạch đã phối hợp với bộ đội bắn chìm một tàu chiến, bắn rơi một máy bay và bắn bị thương nhiều tàu chiến khác, bắt sống tên phi công Mỹ. Trước thất bại nặng nề đó, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lần chiếc máy bay, điên cuồng ném xuống chùa phá hủy gần như hoàn toàn ngôi chùa, cổng tam quan chỉ còn lại phần cổng chính.

Trong những năm tháng kháng chiến, chùa Quan Âm Tự đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu, che chở cán bộ. Tại ngôi chùa này đã chứng kiến nhiều lần kết nạp đội viên du kích, lễ tuyên thề của các chiến sỹ cảm tử quân trước khi ra trận. Ở đây cũng là điểm xuất phát của những người ban ngày là những phật tử – dân chài, ban đêm là du kích đi đánh đồn giặc, ngăn chặn địch hành quân đi cướp bóc, đốt phá.

Chùa Quan Âm Tự nằm cạnh cửa sông Lý Hòa, sát bờ biển, vơi phong cảnh hữu tình. Từ đây, nhìn ra xa là rừng phi lao, thông trãi dài tít tắp. Ở độ cao 15m, trước không gian rộng mở bao la, dường như không khí ở đây thoáng nhẹ hơn hẳn những nơi khác. Chỉ cần bước vào khu vực nhà chùa du khách đã cảm thấy sự yên tỉnh, thanh tịnh , an nhiên đến lạ thường.

Năm 1991, Với tinh thần trở về cội nguồn, giữ gìn một di sản văn hóa quý báu, các tín đồ trung thành với đức phật Thích Ca, đã góp công góp của xây dựng lại ngôi chùa khang trang như hiện nay. Vào năm 2000, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định công nhận Quan Âm Tự là Di tích kiến trúc – nghệ thuật – tôn giáo.

Lễ hội ở đây cũng thật đa dạng. Hầu hết các lễ, vía của phật đều được nhà chùa tổ chức. Nhưng hàng năm, cứ vào ngày rằm tháng 4 (Âm Lịch) – ngày phật đản, nơi đây lại diễn ra hội lớn. Dòng người thiện nam tín nữ tấp nập từ các vùng xung quanh đỗ về chùa Quan Âm Tự dâng hương.

Đến du lịch Quảng Bình hãy đến Đức Trạch viếng chùa, ngoài cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên, biển cả, khi ra về, du khách còn có nhiều thứ đặc sản biển nổi tiếng làm quà. Đó là nước mắm, cá khô, mực khô, ruốc…

Bình luận

bình luận

Liên Hệ Liên hệ