Lễ hội đập trống của người Ma coong ở Quảng Bình là một trong những lễ hội độc đáo vừa được bộ VH-TT và DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đập trống là một lễ hội lớn của người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru Vân Kiều) xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm được chọn là ngày lễ đập trống để mừng mùa trăng mới. Theo truyền thuyết thì ngày xưa thường xuất hiện một con khỉ hung ác màu vàng hằng đêm tại vùng đất của người Ma Coong. Khỉ vào rẫy của bà con ăn ngô phá lúa, gieo giắc sự mất mùa, ốm đâu cho dân bản, khiến cuộc sống của họ càng đói khổ. Dân bản đã cùng nhau khua chiêng đập trống, cùng sự giúp đỡ của Giàng để đuổi khỉ đi, từ đó nó không còn xuất hiện và cuộc sống của dân bản đã dần ổn định trở lại.
Nhằm ghi nhớ công lao tổ tiên và cầu mong cho mùa vụ bội thu, làm ăn thuận lợi, dân làng khỏe mạnh ấm no thì hàng năm người Ma Coong tổ chức cúng tế linh đình những sản vật trên vùng đất của họ cùng hoạt động đập trống để xua đi tai ương bệnh tật.
Hàng năm vào trước ngày diễn ra lễ hội dân bản ai có gì quý thì mang góp cho làng. Và quan trọng nhất là nếp nương để nấu rượu thiêng với men lá, dùng để cúng và mời khách quý.
Trong suốt ngày 16 tháng giêng lễ hội, dân bản Cà Roong không khi vui tươi phấn khởi hiện lên trên từng nét mặt của bà con. Đến tối khi mặt trời khuất núi bà con 18 bản tập trung về đây dâng lễ, già làng bắt đầu lễ cúng tế trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn. Cầu mong mưa thuận gió hòa tránh mọi tại ương, ngô lúa tươi tốt, người người khỏe mạnh.
Tiếp là đến lễ hội đập trống bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được họ tổ chức trên phần khoảnh sân rộng rãi nhất của bản, dưới tán cây cổ thụ, dân làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ. Trong căn nhà chính làm nơi hành lễ, treo trang trọng chiếc trống. Khi trăng bắt đầu lên, đồ vật cúng được mang ra sắp đặt. Mâm cỗ cúng Giàng gồm có rượu hiêng, thịt gà nấu với chồi cây mây non, cá, xôi, ngọn cây mây, khúc thân cây đoác, một ít lúa gạo… Đặc biệt trong mâm lễ còn có cá để cúng Giàng được lấy từ khúc suối cấm, đây là khúc ngăn của con suối Aky.
Trăng lên ngửa đầu chính là giờ khai lễ, Già làng đọc lời khấn cầu mong mọi điều tốt đẹp cho dân bản, mùa màng bội thu. Sau đó lúa gạo được rải ra tứ phía ban phát…
Sau khi cúng già làng phát lệnh để lễ hội đập trống được bắt đầu. Từ dân bản cho đến khách mời ai cũng ùa vào cố để đập cho được trống cầu mong an lành.
Kết thúc phần lễ cũng chính là lúc trống hội bắt đầu vang lên. Mọi người quây quân bên đống lửa, bên những chum rượu cần, rượu hiên. Những thanh niên trai tráng thi nhau trổ tài đánh trống nhanh, trống mạnh. Số còn lại thì cùng nhau nắm tay nhảy múa, một không khí vô cùng vui tươi, phấn khởi.
Chiếc trống hội là một vật linh thiêng của buổi lễ đã được chuẩn bị từ trước. tang trống được làm bằng thân cây gỗ lồi, da bịt mặt trống được lấy từ da bò, bịt trống bằng những cây mây già, chêm mặt trống cho căng là những thân tre già. Điều độc đáo ở lễ hội là các thanh niên phải đánh trống đến khi thủng mới thôi và phải thủng trước lúc trời sáng, có như vậy thì trời đất, thân linh mới chứng giám, phù hộ cho mọi người.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở Quảng Bình là một trong những lễ hội độc đáo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng chính là một trong những mô hình có thể khai thác phát triển du lịch cộng đồng làm phong phú thêm cho du lịch Quảng Bình.