Lễ Hội Trỉa Lúa Của Người Bru Vân Kiều – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia
Lễ Hội Trỉa Lúa Của Người Bru – Vân Kiều đã chính thúc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 03/02/2021.
Đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống chủ yếu tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở phía tây Quảng Bình có khí hậu khắc nghiệt. Qua bao thay đổi thăng trầm của lịch sử họ vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo tốt đẹp từ cha ông, trong đó tiêu biểu được nhắc đến là lễ hội trỉa lúa (hay “lễ hội lấp hố”).
Mảnh đất Quảng Bình nổi tiếng với hạn hán, mưa lũ, thiên tai… liên miên. Mùa hè thì nắng gió lào khô cháy thổi sang, mùa đông lạnh giá, rét buốt. Vì thế mà đồng bào phải sống du canh du cư, phát đốt, cốt, trỉa để sinh tồn, dựa vào tự nhiên, rừng, sông suối. Người Bru-Vân Kiều đã sáng tạo, gìn giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, thẩm mỹ. Họ định ra các ngày và tên ngày tháng qua quan sát sự chuyển dịch của mặt trăng, đồng thời họ cũng quan niệm có những ngày tốt (ngày mồng 4,7,9), những ngày xấu (30 và mồng 1). Mỗi năm lịch nông nghiệp của người Bru Vân Kiều gồm 10 tháng thời gian trồng trỉa thường bắt đầu vào tháng 5 (Rool) kéo dài đến thời gian trăng mọc (Ca xơ lây) của tháng 6. Đến tháng 10 lúa chín, người Bru Vân Kiều tổ chức thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 11. Đến tháng 12 là lúc nghỉ ngơi.
Người Bru Vân Kiều rất coi trọng các lễ cúng mùa vụ, tín ngưỡng của họ còn mang dấu vết của tô tem giáo. Họ tin vào các thần linh huyền bí (Yang), họ coi vạn vật hữu linh, thờ thần lúa. Thần lúa được coi là vị thần quan trọng nhất (Trong truyền thuyết thần lúa tượng trưng hình trái bầu) không chỉ cứu vớt loài người trong trận lũ lụt lớn mà còn mang lại ấm no hạnh phúc cho dân tộc họ. Bởi vậy người Bru Vân Kiều luôn bảo lưu các lễ hội liên quan đến thần lúa như lễ trỉa hạt, lễ mừng cơm mới.
Lễ hội Trỉa lúa hay còn gọi là lễ hội lấp lỗ diễn ra từ ngày 11 – 14/7 âm lịch được xem là hội lễ quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru – Vân Kiều. “Lấp lỗ” là một công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở chắc hạt nặng bông có ngày thu hoạch.
Khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con vật hiến sinh. Già làng bước vào giữa vòng, tay rót đầy ly rượu khấn to xin thần ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ… khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu người dân bản no ấm. Sau lời khấn, một số dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một cái nia trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhảy như người sảy thóc, vừa tiếp tục khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt.
Sau khi cúng xong tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Những món ăn dân dã, mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Người lớn, trẻ em đã đến dự lễ đều được hưởng chung phần.
Sau phần lễ ăn uống là bước vào phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, màn ca múa hát truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.
Đến nay tỉnh Quảng Bình đã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm:
- Hò khoan Lệ Thủy;
- Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển;
- Lễ hội Đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch;
- Lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy;
- Lễ hội Trỉa lúa của người Bru – Vân Kiều và Hò thuốc cá Minh Hóa.
Những di sản đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền của đồng bào dân tộc Quảng Bình. Đây cũng là một trong những nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của du lịch Quảng Bình ngày thêm phong phú, đặc sắc. Là tiền đề để tạo những sản phẩm tour du lịch Quảng Bình mới mẻ tìm hiểu cuộc sống phong tục, tập quán của các đồng bào dân tộc Việt Nam.