Di Tích Lịch Sử Đình Làng La Hà
Làng La Hà thuộc thôn La Hà Nam, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi thờ tự thành hoàng của làng. Di tích này được các nhà nghiên cứu quan tâm bởi là nơi lưu giữ thành quả về học vấn khoa bảng của các thế hệ con cháu trong làng. Từ cửa biển Thanh Trạch ngược lên bến phà II, sông Gianh bắt đầu chia làm hai ngả. Nhánh ngược lên thượng nguồn Bố Trạch gọi là nguồn Son, nhánh ngược lên Tuyên Hóa gọi là nguồn Nậy. Hai nguồn sông ấy đổ về xuôi gặp nhau ở cửa Hác và tạo nên một bãi nổi khá lớn, đó là nơi tọa lạc của làng La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch nay là Thị xã Ba Đồn. Trong hệ thống các cồn bãi giữa dòng sông Gianh thì bãi La Hà là bãi lớn nhất, có hình con cá chép bơi ngược dòng sông Gianh với 4 nhánh sông phụ đang đổ vào La Hà, nên người ta thường gọi La Hà là “tứ bút châu nghiên”.
Đình làng La Hà thờ tự những vị thần tổ khai khẩn lập làng. Sau này, do làng có nhiều người đỗ đạt nên đình có thêm khu văn miếu để thờ. Hiện trong đình thờ 5 vị tiến sĩ và phó bảng đỗ đạt qua các kỳ thi trong triều Nguyễn và lưu giữ thành quả về học vấn khoa bảng của các thế hệ con cháu các dòng họ trong làng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, La Hà là một trong những làng chiến đấu nổi tiếng của Quảng Bình. Từ năm 1947 đến 1950, Pháp mở 5 đợt càn quét vào làng. Đình làng được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí, lương thực, tập hợp lực lượng dân quân du kích và là trung tâm căn cứ chỉ huy đánh giặc. La Hà rào làng chiến đấu, bắn cháy nhiều ca-nô, diệt nhiều quân giặc, bảo vệ xóm làng. Bởi thế nên có câu: “Cự Nẫm anh hùng, Cảnh Dương anh dũng, La Hà chiến thắng”.
Năm 1967, đình bị máy bay Mỹ đánh sập. Mãi đến năm 2016, đình được tôn tạo với kinh phí hơn 2 tỉ đồng do con em quê hương đóng góp.
Hàng năm, vào dịp ngày rằm tháng giêng, con em La Hà khắp nơi tề tựu để tổ chức lễ hội đình làng, tưởng nhớ các vị thần tổ khai khẩn lập làng và những bậc công thần là con, cháu đỗ đạt cao. Đặc biệt, trong làng cứ mỗi lần có người thi cử, đỗ đạt cao thì dân làng lại tổ chức rước về đình, rồi ăn mừng.
“Trong tâm thức của mỗi người dân làng, dù đi đâu về đâu vẫn nhớ ngôi đình, cây đa, bến nước, giếng làng, luôn tự hào về mảnh đất với truyền thống học hành khoa bảng” – ông Mùi chia sẻ.
Năm 2003, đình làng La Hà được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và trở thành địa chỉ du lịch tham quan ý nghĩa.
Đến thăm làng La Hà trong chuyến du lịch Quảng Bình du khách sẽ được về thăm quê hương của nón lá và mây xiên xuất khẩu. Đặc biệt, nghề làm nón lá ở La Hà không chỉ là nghề mưu sinh để người dân nơi đây kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học, mà nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người La Hà.
Theo các bậc cao niên của làng, nghề nón có từ bao giờ người La Hà không còn ai nhớ nổi, chỉ biết rằng, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nghề nón ở La Hà vẫn tồn tại và phát triển. Ở làng La Hà, người làm nón thường tập trung thành nhóm năm, ba người ngồi với nhau, vừa chằm nón vừa trò chuyện, hát đối với nhau rất vui vẻ… Hàng trăm người thợ lành nghề của La Hà đã trở thành những người thầy đi khắp mọi vùng để truyền nghề mây cho con em các địa phương trong tỉnh. Mỗi năm, La Hà cung cấp cho Nhà nước hàng vạn mét mặt mây xuất khẩu, góp phần đem ngoại tệ về xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh.
Ngày nay sự nghiệp học tập, rèn luyện của các thế hệ trẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân làng La Hà. Nhằm phát huy truyền thống hiếu học, khoa cử của cha ông, và làm cho quê hương ngày càng giàu mạnh.