Đèo Ngang – Cổng Trời
Vị trí Đèo Ngang
Cách trung tâm thành phố Đồng Hới theo quốc lộ 1A ra phía bắc 75km. Từ thành phố Hà Tĩnh vào phía nam khoảng 70km là đến đèo Ngang. Ở đây dãy núi Trường Sơn đâm ra tận biển Đông, tạo nên vùng núi non với cảnh sắc sơn thủy hữu tình. Đèo dài 6500m, cao 250m, quanh co uốn lượn theo triền các dãy núi. Từ xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bên vươn dần lên đỉnh và đổ xuống xã Kỳ Nam, thị trấnKỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Phía Đông Đèo Ngang
Đứng trên đèo nhìn xuống phía đông là biển Đông xanh ngời bao la, với những đảo Hòn La, Vũng Chùa Đảo Yến, … ở phía Quảng Bình. Phía Hà Tĩnh là những dải ghềnh đá lô nhô đâm ngang ra bờ biển tạo thành những bãi tắm rất đẹp, cát trắng mịn màng. Mặt biển với những con thuyền nhỏ dập dềnh trên sóng nước trập trùng.
Phía tây Đèo Ngang
Là các vách núi dựng đứng, vững chãi như bình phong xanh ngắt với ngàn mây bay lởn vởn buổi chiều tà trên ngọn núi cao 1.046m – đỉnh cao nhất của dãy Hoành Sơn. Du khách đi xe máy hoặc ôtô, khi đổ xuôi xuống mái đèo phía nam khoảng 400m sẽ thấy một dãy núi cao hàng trăm mét sừng sững chắn ngang trước mặt. Càng đến gần, bức tường xanh cũng như đang chạy nhào tới, tạo nên cảm giác kỳ lạ mà không đèo nào có được.
Cổng Trời (Hoành Sơn Quan)
Dừng chân trên đỉnh đèo Ngang
Trên đỉnh đèo Ngang, thả mình với trời biển bao la thật sảng khoái. Ngâm nga những câu thơ một thời của Bà Huyện Thanh Quan. Tưởng tượng cảnh người phụ nữ đất Thăng Long xưa trên đường vào kinh thành Huế nhận chức Cung Trung Giáo Tập, chạm đèo Ngang khi trời xế chiều. Cảnh đó, người đâu. Nay còn lại ta với ta?
“Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.”
Đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh
Khoảng 500m dưới chân đèo về phía nam là đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Nằm trong cụm di tích, danh thắng gồm đèo Ngang, Hoành Sơn quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, biển Hòn La, vũng Chùa, đảo Yến… Đền nằm trong tán lá rừng xanh mát, cách cửa hầm đường bộ xuyên đèo Ngang phía nam hơn 100m. Có từ thời Thiên Hữu (1557) nhà Hậu Lê, theo thời gian đền bị hư hỏng nhiều, sau đó được tỉnh Quảng Bình phục hồi theo nguyên mẫu. Theo người dân, đền thờ này khá linh thiêng. Vì thế vài năm trở lại đây có rất nhiều du khách thập phương ghé thăm, hương khói…
Đèo Ngang ngày nay trở thành tuyến đường du lịch cho những du khách ưa chinh phục những cung đường. Những xe cơ giới khác lưu thông qua hầm đường bộ xuyên đèo.