Lễ Hội Đua Thuyền Truyền Thống Lệ Thủy Quảng Bình
Lệ Thủy là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng đã từng “ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu ”. Con người ở mảnh đất gió Lào cát trắng này vốn dĩ ngàn đời nay chịu thương chịu khó. Vì phần lớn người dân nơi đây quanh năm quần quật làm nông nghiệp đồng áng. Trải qua nhiều khó khăn vất vả, đất xứ Lệ là vùng chiêm trũng phù sa của nền văn minh lúa nước nên rất nổi tiếng với câu ca : Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện. Lại có câu khác rằng “Lệ Thủy gạo trắng nước trong /Ai về Lệ Thủy thong dong con người”.
Không chỉ có vậy nơi đây còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật – nét đẹp truyền thống văn hóa đặc trưng của vùng miền. Và đặc biệt không thể thiếu chính là lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang nhân dịp Quốc Khánh 2/9. Cho nên , người dân Lệ Thủy nói chung và bản thân tôi nói riêng đều cảm thấy tự hào và vô cùng phấn khởi, háo hức mỗi khi đến dịp lễ hội :
Dù ai đi tây, về đông
Mồng 2/9 cũng mong về nhà
Về nhà xem hội quê ta
Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay…
Nguồn gốc lễ hội đua thuyền Lệ Thủy
Lễ hội bơi đua thuyền thống trên sông Kiến Giang là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người dân xứ Lệ, đồng thời nó mang nét tâm linh được xuất phát trong đời sống sinh hoạt lao động sản xuất, cầu đảo, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cho đến nay lịch sử lễ hội được hình thành qua năm tháng đến bây giờ được khoảng gần 500 năm ( 1555-2018) theo Ô Châu Cận Lục. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay lễ hội được trải qua 72 lần tổ chức liên tục, tiếp nối đua thuyền cầu đảo thì lễ hội bắt đầu từ ngày Quốc Khánh 2/9/1946 và từ đó về sau lễ hội được diễn ra với ý nghĩa mừng tết Độc Lập 2-9. Ngày 7/7/2003 , UBND huyện Lệ Thủy đã có tờ trình số 3211/TTr-UBND kèm theo bản thuyết minh về lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang 2-9 đề nghị UBND tỉnh và Sở Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Bình xem xét để công nhận là lễ hội văn hóa cấp tỉnh. Ngày 1/9/2007 UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định công nhận lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy vào hạng mục tiêu biểu văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang 2-9 cũng đã được đưa vào bộ sách thống kê lễ hội Việt Nam do cục cơ sở Bộ Văn hóa thể thao và du lịch năm 2018. Đua thuyền Lệ Thủy được xem là linh hồn cũng như là biểu tượng của phong tục tập quán rất đặc biệt mang đậm dấu ấn mà không nơi nào có được bởi sự hấp dẫn và gay cấn trong cuộc đua và cũng như phong trào thể hiện sức mạnh ý chí của con người trên mọi lĩnh vực.
Đua thuyền Lệ Thủy nét đẹp văn hóa của quê hương đại tướng
So với nhiều địa phương khác thì riêng đua thuyền nơi đây được tổ chức với thời gian kéo dài, vào hai ngày (30/8 nội dung vòng loại đò bơi nam chọn ra hai bảng A và B để tham gia đua tranh vào sáng mùng 2/9 cả đò bơi nam và đò đua nữ). Một phần số lượng đơn vị tham gia đông kết hợp tạo điều kiện kéo dài để bà con được tận hưởng những đường chầm đẹp, những pha trở tiêu hay tạo nên sự cuốn hút và hấp dẫn nhất. Sát với ngày diễn ra lễ hội và nhìn chung vào hôm tối mồng 1/9 đây là khoảng thời gian đẹp, đó là tất cả bà con sum họp đầm ấm bên gia đình và không kém phần quan trọng là “ Lễ động viên trai bơi – gái đua ” để sáng ngày mai lên đường đi thi đấu, những tiếng hò reo nhảy múa, cái bắt tay động viên của bà con bạn bè gần xa, lời tuyên thệ quyết tâm của trai bơi gái đua đã tạo nên nét đặc trưng rất riêng biệt của lễ hội này. Cũng vào chính đêm hôm ấy thì nhà nhà đèn điện sáng trưng với nhiều công việc chuẩn bị khác nhau như mổ lợn, mổ gà làm những mâm cơm để dâng lên bàn thờ tổ tiên ăn mừng ngày Tết Độc Lập; suốt đêm ấy nhiều cá nhân có một số tâm tư cũng như nguyện vọng khác nhau với mong muốn có được sự thành công cho mùa lễ hội.
Đua thuyền Lệ Thủy – Ngày hội của toàn dân
Đối với con em, dâu rể, từ già tới trẻ, dù gái hay trai của quê hương xứ Lệ khi nhắc đến đua bơi Lệ Thủy thì dù có đi đâu xa cũng háo hức mong chờ ngày khai hội để trở về. Bởi nó đã ăn sâu vào máu thịt và là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân Lệ Thủy bao đời nay. Không biết tại sao và từ bao giờ nó có sức lôi cuốn , hấp dẫn kì lạ đến như vậy. Lễ hội Bơi – đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang Lệ Thủy 2-9 là lễ hội văn hóa cấp tỉnh Quảng Bình đã và đang hướng tới Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong thời gian sắp tới. Chính vì lẽ đó mà tất cả người con trên quê hương Đại tướng lại một lần nữa cảm thấy tự hào và thêm yêu mảnh đất này hơn .
Không chỉ có vậy được sự chỉ đạo của ban tổ chức huyện thì tất cả các đơn vị ra sức thi đua tu sửa dọn dẹp cảnh quan trong làng ngõ xóm, treo băng rôn khẩu hiệu chào mừng ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mồng 2/ 9, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới tạo nên vùng trời đỏ rực đầy sắc màu. Cho nên , quang cảnh suốt hành trình diễn ra hết sức thích thú và hấp dẫn cho tất cả bạn bè, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia tranh thủ thời gian quý báu của mình thu xếp về xứ Lệ sáng tác những bài thơ hay và những bức hình ảnh đẹp về Lệ Thủy. Chính việc giải trí của những con người này đã mang đến lợi thế trong việc đưa hình ảnh quê hương được lan rộng và cũng chính là nhịp cầu nối lan truyền mạnh mẽ đến du khách thập phương đến với lễ hội này càng nhiều hơn.
Gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương
Lễ hội đua thuyền truyền thống Lệ Thủy đã tạo nên nhiều cảm xúc riêng của từng con người, từng cá nhân. Là một truyền thống quý báu của quê hương cần phải phát huy và bảo tồn sâu rộng hơn nữa để xứng đáng là “ Địa phương ăn tết độc lập lớn nhất cả nước ” tạo tiền đề phát triển du lịch, kinh tế mang đến cuộc sống vui tươi và lành mạnh. Qua đây có thể nói rằng việc cần làm ngay bây giờ không riêng gì các cán bộ quản lí mà kể cả thế hệ trẻ chúng ta cần chung tay phát triển lễ hội này đi lên tầm cao mới và giới thiệu bạn bè khắp mọi miền đất nước đến tham quan, có vậy mới xứng đáng là người con trên quê hương Đại tướng .
Lệ Thủy với dòng sông Kiến Giang thơ mộng, hiền hòa đã từng là nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ, nhạc sĩ và cũng để lại cho du khách bốn phương ấn tượng đặc biệt mỗi khi có dịp về thăm mảnh đất đã sinh ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng điều đáng nói không chỉ ở vẻ đẹp của dòng sông quê mà con sông này gắn với một lễ hội rất đặc biệt, mang đậm nét văn hóa xứ Lệ – Lễ hội đua thuyền. Vì vậy , cứ mỗi độ tháng 8 thu về, “đến hẹn lại lên”, trên dòng Kiến Giang hiền hòa lại âm vang tiếng mõ, tiếng chiêng trống của ngày hội đua thuyền. Lễ hội đua thuyền đã thực sự đi vào tiềm thức và trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người dân Lệ Thủy. Nó chứa đựng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan yêu đời và sự vươn lên mạnh mẽ của đất và người nơi đây.