Đình Hòa Ninh Quảng Bình – Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia
Đình Hòa Ninh Quảng Bình tọa tại làng Hòa Ninh xưa nay là xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Đình Hòa Ninh mang trong mình các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của VIệt Nam.
Đình Hòa Ninh được xây dựng từ năm Bảo Đại thứ 11(1936) dưới sự đóng góp công sức của nhân dân địa phương. Đình Hòa Ninh là chứng nhân của lịch sử từ thời Phong Kiến, qua bao thăng trầm của thời gian, chiến tranh tàn phá nặng nề, đình đã được tôn tạo lại vào năm 1976. Đình là nơi thờ tự các vị anh hùng có công khai khẩn nên vùng đất này, và là biểu tượng cho truyền thống khoa bảng của làng. Hiện tại ở Đình Hòa Ninh còn lưu giữ 10 đạo sắc phong bằng chữ Hán do các vua triều Nguyễn phong tặng, đây là tài sản quý giá nhất của ngôi đình.
Đến thăm Đình Hòa Ninh bạn sẽ cảm nhận được quy mô và kiến trúc đồ sộ, tỷ mỷ của ngôi đình này. Đình được bố trí với hệ thống tường thành bao quanh, cổng trụ, bình phong và tòa đại đình nằm ngang.
Sự sắc sảo, tinh tế thể hiện ngay ở cổng của đình, với cổng chính được xây dựng bằng gạch. Hai trụ biểu hai bên được thiết kế vô cùng công phu, các đường nét hài hòa với từng họa tiết và màu sắc. Thể hiện được sự tài hoa của các nghệ nhân trong việc khắc họa, và bài trí. Trên hai đỉnh trụ biểu là hình ảnh hai con nghê được ốp tinh xảo bằng men xanh, nâu nhạt thể hiện sức mạnh đoàn kết của người dân nơi đây. Cổng đình mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật của làng quê Việt Nam.
Mái Đình Hòa Ninh được xây dựng theo kiểu tứ giác, hai mái thượng trước và sau, hai mái đầu hồi Đông và Tây. Ở chính giữa nóc đình là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt – đây là hình ảnh quen thuộc tại các mái đình Việt Nam ăn sâu vào tiềm thức và tâm linh của mỗi người dân Việt.
Đình Hòa Ninh bao gồm 5 gian, 4 vài, có 1 cửa chính và 4 cửa phụ. Trước cửa chính có khắc chữ “Thọ” lồng trong mặt trăng và 3 chữ Hán đắp nổi: Phúc, Du, Đồng. Những chữ này là thể hiện tinh hoa và tâm huyết của người dân làng. Nơi đây là trung tâm thể hiện nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sánh sứ. Các họa tiết trang trí tiêu biểu như: Long, Ly, Quy, Phượng, bát bửu, hoa lá… Đặc biệt ở cửa chính có khắc câu đối của ông Nguyễn Tiến Ích là của nhân viết tăng:
” Nhị khí lương năng phong vật dự tùy, sơn thủy hoán.
Bách niên hội điển họp tôn chung, dự trạch sơn hàm.”
” Tài năng trời không cho mà có, phong cảnh tùy thuộc phối lại với nhau, sông núi hài hòa. Trăm năm hội họp lại sao quên được.”
Bên cạnh kiến trúc xây dựng độc đáo, tinh tế thì nghệ thuật chạm gỗ cũng là nét nghệ thuật vô cùng tuyệt mỹ. Công trình đình như là nơi đua tài của các nghệ nhân chạm trỗ thời bấy giờ. Cách bố trí hài hòa các hình ảnh như: rồng phun nước, cá chép hóa rồng, long tranh hổ đấu… càng cho ta thấy rõ nét tài hoa cảu các nghệ nhân.
Bên trong ngôi đình, ở gian giữa thờ tự vong linh thành hoàng làng đã có công khai phá, lập làng. hai bên là gian thờ các vị bách thần sở hội, là các vị thần có chức sắc, đức độ, khoa bảng, được người dân mến mộ.
Đình Hòa Ninh mang những nét đặc trưng, tương đồng với các đình khác ở trong vùng, nhưng lớn nhất về quy mô và mức độ hoàn thiện. Các hình thức thể hiện, trang trí ở đây đều chứa đựng tâm huyết, được trau chuốt vô cùng công phu mang giá trị nhân văn, giá trị tinh thần.
Hằng năm vào mỗi dịp tết tại đình có tổ chức lễ hội kỳ phúc, là một nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Nhằm cầu mong cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là cơ hội để giáo dục về truyền thống cho các thế hệ sau.
Đình Hòa Ninh Quảng Bình góp phần trong sự phát triển đa dạng cho du lịch Quảng Bình ngày một phát triển phong phú.