Đình Làng Minh Lệ – Di Tích Lịch Sử văn Hóa Cấp Quốc Gia

Đình Làng Minh Lệ thuộc thôn Minh Lệ, tổng Thuận Phi, Phủ Quảng Trạch nay thuộc làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Đình làng nằm cách trụ sở UBND xã 400m về phía Tây Bắc, cách thị trấn Ba Đồn 6km về phía Tây Nam, cách ga Minh Lệ 400m về phía Đông Bắc.

Đình Làng Minh Lệ được xây dựng từ những năm 1464 dưới thời vua Lê Thánh Tông, hoàng đế thứ 5 của nhà Lê sơ. Đây là nơi thờ tự linh thiêng và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tính ngưỡng, là nhân chứng của lịch sử.

Đình Làng Minh lệ
Đình Làng Minh lệ

Đình làng Minh Lệ là nơi thờ tự thành hoàng làng Trương Hy Trọng và 4 vị đức thần tổ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần. Ông là người con trai thứ hai của Trương Công Lang – là một vị tướng tài của vua Lê Lợi. Trương Hy Trọng tên thật là Trương Công Chấn tiếp nghiệp cha đã lập nhiều chiến công to lớn trong công cuộc chống quân Chiêm Thành, trấn giữ vùng Thuận Hóa. Ông cùng 3 họ Nguyễn, Hoàng, Trần đã có công chiêu dân, khai phá cùng đất phía Nam sáng lập ra xã Thị Lệ gồm 5 thôn: Minh Lệ (Quảng Minh), thôn Đoài (Diên Trường-Quảng Sơn), Vĩnh Ninh (Hoà Ninh-Quảng Hoà), Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc (Quảng Lộc).

Năm 1493 sau trận đánh tại Thành Lồi ông đã bị trọng thương và tạ thế tại tại quê làng Minh Lệ. Vua Lê đã vô cùng thương tiếc cho nhân tài của đất nước nên đã sắc phong cho ông là “Cai tri phương tước hầu”. Năm Quang Trung thứ hai ông được phong sắc Trung lang Thượng Tướng Quân.

Theo cuốn “Đất và người quê tôi” của tác giả Hoàng Minh Đức, thuở sơ khai đình làng Minh Lệ là ngôi nhà chung của cả 5 thôn, về sau, mỗi thôn lại có đình làng riêng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh phá hoại, ngôi đình được xây dựng lại vào năm Bảo Đại nhị niên 1927 rồi được trùng tu qua các năm 2003, 2008 và 2011.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử thì Đình Làng Minh Lệ vẫn trường tồn với thời gian cùng những giá trị văn hóa và tinh thần vô cùng to lớn đối với nhân dân.

Đình làng Minh Lệ được xây dựng công phu từ các khối hình rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các vòm liên tiếp nhau, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian, tường dày, hơi thấp về độ cao. bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

Đình Minh Lệ là khu di tích bao gồm: cổng, thành bao, sân, bình phong, đình trung và đình hậu. Trong đó đình trung có bốn mái, hai mái trước và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn được cách điệu bằng hoa lá, đầu rồng ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn vuốt cong, nâng mái lên cao uyển chuyển, giữa hai đường mái trước là hình khối những con lân. Gian giữa thông với gian hai bên bằng ba cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng 3 cửa vòm.

Đình làng Minh Lệ gắn liền với nhiều những sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương qua các thời kỳ.

Như trong thời kỳ vận động thành lập đảng, khởi nghĩa giành chính quyền 1945, hay cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Đình làng là nơi hội họp, liên lạc của chi bộ Đảng và là nơi tập hợp quần chúng nhân dân khởi nghĩa cướp chính quyền trước cách mạng tháng 8/ 1945. Chi bộ Đảng của làng Minh Lệ cũng được thành lập từ khi tách chi bộ ghép của 5 thôn trước đây. Đình làng là nơi cất giấu vũ khí, là nơi huấn luyện dân quân tự vệ, và là nơi các bộ quân sự cấp trên tổ chức hội họp vạch ra phương án tác chiến. Đính làng chứng kiến lễ kết nạp nhiều đảng viên mới, những con người ưu tú sẵn sàng chiến đâu hi sinh cho độc lập tự do dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình làng đã bị đánh phá ác liệt. Đình trở thành trạm giao liên trung chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam.  Đình đã bị máy bay Mỹ đánh phá nên dân làng đã chuyển bàn thờ thành hoàng và bàn thờ các vị thần tổ về phía Đông Bắc làng trong nhà thờ cạnh lăng thành hoàng. Đình bị đánh sập tường thành bao, ngói bay, một số hình khối hoa văn bị gãy nhưng đình vẫn đứng đó cùng làng quyết tâm bám trụ. Ngôi đình, mái đình, cổng đình mãi mãi gắn liền với mỗi con người với những trang sử của quê hương, đất nước.  

Đến năm 1992 Đình Làng Minh Lệ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia. Đình làng được người dân nơi đây xem như là văn miếu của làng. Là nơi người dân gửi gắm đức tin của mình, cầu mong ơn trên phù hộ cho con cháu, sĩ tử học hành giởi dang, thi cử đạt kết quả cao. Đình cũng là nơi vinh quy bái tổ khi những người con đỗ đạt dâng lễ tạ Tứ Đức Thần Tổ, và chia vui với dân làng.

Hàng năm trong các ngày lễ tết, con cháu trong làng từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đều về đây dâng hương. Mãi khắc ghi truyền thống, giữ gìn và phát huy hơn nữa những gì tốt đẹp nhất cho con cháu đời đời. Xứng đáng với công lao của tổ tiên đã xây dựng và bảo vệ mảnh đất này.

Nếu có dịp đến du lịch Quảng Bình bạn hãy đến thăm Đình làng Minh Lệ giữa làng quê yên bình. Tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của địa phương. Cảm nhận được không khí linh thiêng nơi đình làng, cũng như sự yêu thương hướng về cội nguồn của người dân nơi đây.

Có thể bạn sẽ thích:

Bình luận

bình luận

Liên Hệ Liên hệ