Cảng Cá Thanh Khê(Cảng Cá Sông Gianh) – Di Tích Lịch Sử Quốc Gia
Cảng cá Thanh Khê (hay là cảng cá sông Gianh) là di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Đây là điểm quan trọng trên con đường vận tải Hồ Chí Minh trên biển.
Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tỉnh Quảng Bình là mạch máu cũng là yết hầu quan trọng của tuyến chi viện Bắc Nam. Bên cạnh đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường 20 quyết thắng, đường 12A… thì đường vận tải biển trở thành nhu cầu cấp bách của hoạt động vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam. Chính vì thế Quảng Bình trở thành tọa độ lửa của các cuộc bắn phá, oanh tạc vô cùng ác liệt của quân đội Hoa Kỳ.
Tháng 7 năm 1959 cùng với sự ra đời của binh đoàn 559, tiểu đoàn vận tải thủy 603 được thành lập. Tiểu đoàn được mang tên “tập đoàn đánh cá sông Gianh”. Với ưu tiên là lựa chọn những cán bộ chiến sĩ đã quen với nghề sông nước, và thông thuộc vùng biển phía Nam. Sau quá trình tìm kiếm và đã lựa chọn được 107 cán bộ chiến sĩ thích hợp nhất cho nhiệm vụ quan trọng này.
Tiểu đoàn 603 đóng quân tại cảng cá Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cách cảng quân sự Gianh 4km về phía Nam. Nhằm đảm bảo bí mật cho nhiệm vụ tiểu đoàn đã hoạt động dưới danh nghĩa là “tập đoàn đánh cá sông Gianh” chuyên đánh bắt và khai thác thủy hải sản.
Sau hai tháng khẩn trương đoàn đã xây dựng doanh trại và đóng hoàn chỉnh 02 thuyền. Những chiếc thuyền này được đóng đặc biệt có hai đáy, cải trang như một thuyền đánh cá thông thường. Phía trên để các dụng cụ đánh bắt, bên dưới thì để chứa vũ khí, đạn dược. Trong thời gian đầu tiểu đoàn chủ yếu là tổ chức đánh cá vầ vận tải tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ Quảng trị. Đồng thời đóng thêm thuyền, chuẩn bị hàng hóa và nghiên cứu quy luật hoạt động của địch trên vùng biển.
Tháng 11/1959 mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất chuẩn bị sẵn sàng cho 12 chiếc thuyền sẵn sàng xuất bến. Các cán bộ chiến sĩ được trang bị giống như ngư dân, và có đầy đủ giấy tờ, căn cước phù hợp.
Đến cuối tháng 01/1960 (đêm 30 tết âm lịch) chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên của tiểu đoàn 603 xuất phát rời cảng Thanh Khê vào giao hàng cho liên khu V, điểm đến là Hồ Chuối dưới chân đèo Hải Vân. Trên chuyến thuyền này có 6 thuyền viên ưu tú được chọn để làm nhiệm vụ đầu tiên. Tất cả đều nín thở chờ tin báo. Nhưng những ngày sau đều không nhận được bất kỳ thông tin gì về, con thuyền như bặt vô âm tín. Sau này qua quá trình điều tra tìm hiểu mới biết lúc thuyền ra khơi thì gặp thời tiết xấu, thuyền bị hư hỏng và bị đánh dạt vào bờ biển Cù Lao Xanh(Quảng Ngãi). Tất cả thuyền viên đều bị địch bắt và tra tấn dã man, và được đưa đi qua nhiều nhà tù khác nhau. Tuy bị bắt nhưng các thuyền viên đã nhanh trí thả tất cả hàng xuống biển. Các đồng chí một lòng kiên trung dù chúng tra tấn thế nào vẫn quyết không khai.
Tiều đoàn 603(binh đoàn 559) – tập đoàn đánh cá sông Gianh ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn. Quá trình hoạt động đã vận chuyển thành công một số chuyến tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Chuyến đầu tiên vào Nam nhưng thất bại, tuy nhiên đây là bài học quý báu cho quân ta trong quá trình tiếp vận vào nam sau này.
Trong thời gian từ năm 1964 -1967 đế Quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cảng sông Gianh cũng trở thành mục tiêu bắn phá vô cùng ác liệt nhằm bắn phá các cơ sở cầu cảng và tàu thuyền của ta. Ngoài không quân, chúng còn sử dụng các tàu chiến hiện đại bắn pháo 127 ly, 203 ly, các loại bom từ trường, thủy lôi phong tỏa cảng Gianh. Tuy vậy quân và dân cảng Gianh vẫn kiên cường bám trụ bắn trả và tiêu biểu đã bắn bị thương một chiến hạm Canbera của địch.
năm 1968, Quảng Bình chiến dịch vận tải VT5 và cảng Gianh là nơi vận tải hàng nghìn tấn hàng hóa vào Nam. Chiến dịch Hòn la năm 1972 ra đời để vận chuyển số lượng lớn hàng hóa tiếp nhận từ viện trợ của các nước bạn. Sau khi tiếp nhận hàng từ vịnh Hòn La, hàng sẽ được chuyển vào cảng Gianh và từ đó qua nhiều cung đường khác nhau vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Thời điểm này quân mỹ cũng đã điều tuần dương hạm và các tàu khu trục của hạm đội 7 Thái Bình Dương bán đạn pháo cỡ lớn vào sâu trong đất liền của ta, cảng Gianh cũng là mục tiêu bị bắn phá ác liệt.
Từ ngày 01/01/1973 đến ngày 15/01/1973, Mĩ đã cho 165 máy bay B52, F111 bắn phá bừa bãi xuống trạm trung chuyển cảng Gianh. Đêm 13/01/1973, 156 công nhân cảng Gianh đang làm nhiệm vụ bốc xếp chuyển hàng tại cảng Gianh thì bị bom Mĩ làm hi sinh và bị thương. Đây là vụ tàn sát đẫm máu nhất do đế quốc Mĩ gây ra sau khi ký hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Quân và dân, công nhân đứng chân trên cảng Gianh vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng kề vai sát cánh, cùng nhau đánh thăng mọi thủ đoạn của đế quốc Mĩ, đảm bảo, bảo vệ vững chắc tuyến giao thông vận tải biển.
Cảng cá Thanh Khê (hay cảng cá sông Gianh) là một trong những địa điểm quan trọng trong con đường vận tải hàng hóa chi viện vào Nam. Nơi đây ghi dấu ấn những chiến công to lớn của tiểu đoàn 603, và quân, dân địa phương trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Ngày nay nếu trong chuyến du lịch Quảng Bình bạn có chương trình viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay thăm các địa danh phía Bắc Quảng Bình bạn sẽ có cơ hội tham quan địa điểm này.
Có thể bạn sẽ thích:
- Đồi Cha Quang Quảng Bình – Di Tích Lịch Sử Quốc Gia.
- Đình Hòa Ninh Quảng Bình – Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia.
-
Bến Phà Xuân Sơn – Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt Thuộc Hệ Thống Di Tích Lịch Sử Đường Trường Sơn.