Làng Lệ Sơn Quảng Bình – Đệ Nhất Bát Danh Hương
Làng Lệ Sơn Quảng Bình nay là xã Văn Hóa huyện Tuyên Hóa cách trung tâm thành phố Đồng Hới tầm 80km. Nơi đây núi non hùng vỹ, phong cảnh hữu tình như một bức tranh thủy mạc. Làng Lệ Sơn nổi tiếng khắp Quảng Bình là đứng đầu trong bát danh hương của tỉnh: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương – Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Từ xưa làng đã được người mọi nơi biết đến vì một chữ “học”. Làng Lệ Sơn chỉ có 3,500 nhân khẩu nhưng có đến 800 người làm nghề dạy học từ tiểu học đến đại học khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Tựa mình bên những dãy đá vôi trùng trùng điệp điệp, phía trước thì được bao bọc bởi dòng sông Gianh, nước trong xanh, sâu thảm trải dài như một dải lụa uốn quanh.
Được thành lập từ những năm 1471, Lệ Sơn chỉ là một làng nhỏ khoảng 770ha. Nhưng hơn 500 năm qua mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước bởi truyền thống hiếu học, chịu thương, chịu khó.
Trong lịch sử Làng Lệ Sơn đã từng được vua Hàm Nghi chọn làm nơi dừng chân trên đường ra Hà Tĩnh tránh khỏi sự truy đuổi của giặc Pháp. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, quân đội ta cũng đã lựa chọn 99 ngọn núi này làm căn cứ cách mạng.
Làng Lệ Sơn là căn cứ địa vô cùng quan trọng của huyện Tuyên Hóa. Với vị trí tiền tiều của căn cứ địa tỉnh trong những năm 1947 – 1952 Lệ Sơn đã trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của thực dân Pháp. Mục đích chiếm Lệ Sơn làm bàn đạp tấn công lên các cơ sở muền Tây Tuyên Hóa tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo chiến đấu của ta. Từ đó sẽ dễ dàng đánh qua Lào và các vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Nhân dân đã dũng cảm chiến đấu đánh lui nhiều trận càn quét của quân địch. Đến cuối tháng 5- 1952 phối hợp với bộ đội chủ lực đánh tan quân địch mở rộng vùng tự do và từ đây chấm dứt mối đe dọa từ quân Pháp.
Bên cạnh lịch sử lâu đời cùng truyền thống học, thì nơi đây còn có những hệ thống các di tích văn hóa phong phú với giá trị mỹ thuật, kiến trúc. Là nơi hội tụ của nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo.