Sân Bay Dã Chiến Khe Gát – Huyền Thoại Của Không Quân Việt Nam
Khi nhắc đến Quảng Bình hẳn mọi người sẽ biết ngay đến sân bay Đồng Hới. Nhưng ít ai biết rằng Quảng Bình còn có sân bay giã chiến Khe Gát nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh thuộc xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch. Đây được xem như là nơi đã làm nên lịch sử của không quân Việt Nam với chiến công vang dội.
Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, Quảng Bình được xem như là yết hầu của tuyến đường Bắc Nam. Là tiền phương trọng yếu cho các hoạt động vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược và quân cho chiến trường miền Nam. Được xem là “địa chỉ đỏ” bắn phá của không quân và hải quân Mỹ. Nhằm chặn đứt đường tiếp vận của quân đội ta chi viện cho tiền tuyến. Hàng trăm ngàn tấn bom đạn đủ các thể loại đã trút xuống mảnh đất này, gây biết bao tổn thất to lớn cả người và của. Ngoài sự bắn phá ác liệt của không quân thì sự bắn phá của biên đội tàu đặc nhiệm hạm đội 7 Hoa Kỳ là điều đáng ngại nhất. Các mục tiêu chủ yếu là sân bay, và các tuyến đường Trường Sơn.
Để đối phó với tình hình này, cuối năm 1968, bộ quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến mật danh B7 tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Với mục tiêu tạo sự bất ngờ để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn.
Để khai thông đường vận chuyển trên biển và hạn chế hậu quả do các đợt pháo kích của địch từ tàu địch. Bộ Tổng tư lệnh chủ trương tăng cường các lực lượng của hải quân, pháo bờ biển, đặc công đánh định. Trong đó, chỉ thị cho Binh chủng Không quân nghiên cứu, chuẩn bị phương án sử dụng máy bay tập kích vào đội hình tàu chiến địch.
Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho tiểu đoàn công binh 28 (nay là lữ đoàn công binh, quân chủng phòng không – không quân). Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của quân dân địa phương, thanh niên xung phong.
Để bảo bảo bí mật cho công trình thì cứ chập tối quân ta mới đào, đến gần sáng lại ngụy trang bằng lá cây. Tất cả các phương tiện xe lu, xe ủi đều được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển từ Hà Nội vào. Trong quá trình thi công đều được giấu kỹ trong các hang đá. Sân bay được xây dựng trong điều kiện trinh thám ác liệt bởi các phương tiện tối tân của Mỹ như OV-10, SR-71, cây nhiệt đới….
Tuy gặp biết bao khó khăn và trở ngại nhưng cuối cùng công trình cũng hoàn thành sau 8 tháng. Sân bay dã chiến Khe Gát với đường băng dài 2,5km, rộng 30m, và có đường dẫn máy bay vào hang trú ẩn.
Tháng 4 – 1972 quân đội Mỹ thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam. Do đó tập trung bắn phá ác liệt các tỉnh khu 4 đặc biệt là Quảng Bình và Quảng Trị. Nhằm phá hủy các tuyến đường giao thông, chặn đường tiếp vận của quân dân ta.
Các tàu khu trục liên tục tiến sát phía gần bờ biển pháo kích liên tục vào các mục tiêu của ta. Thiệt hại gây ra vô cùng lớn, bên cạnh đó còn gây tâm lý hoang mang cho quân ta. Các lực lượng pháo phòng vệ bờ biển không thể bắn đến vì nằm ngoài tầm bắn.
Để khai thông đường vận chuyển trên biển và hạn chế hậu quả do các đợt pháo kích của địch từ tàu địch, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Binh chủng Không quân nghiên cứu, chuẩn bị phương án sử dụng máy bay tập kích vào đội hình tàu chiến địch.
Nhiệm vụ này được giao cho trung đoàn không quân 923 với trang bị là máy bay MIG 17. năm 1971, 10 phi công xuất sắc nhất được huấn luyện bởi các chuyên gia CuBa. Kỹ thuật tấn công lần này là ném bom dạng “thia lia” mà CuBa đã từng sử dụng thành công. Lợi dụng quán tính và phản lực của mặt nước để ném bom vào mạn tàu. Kỹ thuật này đòi hỏi sự thuần thục, trình độ cao và sự chính xác tuyệt đối. Nếu xảy ra sai sót sẽ không thể có cơ hội thứ 2. Mặt khác việc cất cánh và hạ cánh phải chính xác nếu không sẽ bị và vào vách núi.
Qua quá trình nghiên cứu kỹ các hoạt động của quân địch, bộ chỉ huy quyết định đưa máy bay vào sân bay Khe Gát để tác chiến. Hai chiếc MIG17 được đưa từ sân bay Kép vào sân bay Gia Lâm, sau đó vào Vinh. Lợi dụng thời điểm trời tối từng chiếc một đáp an toàn tại sân bay Khe Gát. Nhận thấy sự hoạt động như thường lệ của hải quân Mỹ chứng tỏ đã không phát hiện được di chuyển của ta.
Hai chiếc MIG17 đã lắp sẵn bom và luôn trong tư thế sẵn sàng xuất kích. Biên đội bay do thượng úy Lê Xuân Dị và trung úy Nguyễn Văn Bảy B vị trí số 02.
Chiều 19/04/1972 trạm rada 403 cửa Nhật Lệ phát hiện hoạt động của các nhóm tàu tác chiến Mỹ vào cách bờ biển 18km.
Đúng 16h05′ được lệnh xuất kích từ sân bay dã chiến Khe Gát. Các máy bay được lệnh bay tầm thấp nhằm tránh sự phát hiện của rada địch.
16h13′ phi công số 1 Lê Xuân Dị đã công kích thành công tàu khu trục hộ tống US Higbee(DD-806). Tàu hộ tống này đã bị hư hỏng nặng phía mạn tàu và dàn pháo trên boong bị phá hủy.
Phi công số 2 Nguyễn Văn Bảy B tiếp tục oanh kích không cho địch ịp trở tay. Tàu tuần dương hạm hạng nhẹ US Oklahoma city thuộc lực lượng tàu đặc nhiệm 77 trúng bom. Tàu bị hỏng hệ thống rada, một ụ pháo và phía mạn hư hỏng nặng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cả hai chiếc MIG17 đều trờ về hạ cánh an toàn tại sân bay Khe Gát và được đưa vào hang trú ẩn.
Ít phút sau các máy bay tiêm kích F-4 đã được điều động đánh bom ác liệt tại sân bay Đồng Hới và sân bay Vinh. Ba ngày sau sân bay Khe Gát đã bị địch phát hiện và đánh phá. Một chiếc MIG17 đã bị hỏng hoàn toàn, chiếc còn lại sau khi được sữa chữa đã cất cánh về căn cứ an toàn.
Sau khi bị đánh bất ngờ hạm đội 7 của Mỹ đã không dám tiến vào sát bờ biển của ta oanh tạc trong nhiều tháng. Các tàu hư hỏng được rút về Rubic ở Philipin để sữa chữa. Địch hoàn toàn bị bất ngờ và đã có sự dè chừng đối với các hoạt động của ta.
Trận đánh lần này chỉ diễn ra trong 17 phút nhưng đã mang lại thành quả vô cùng to lớn. Đây là lần đầu tiên không quân Việt Nam sử dụng tiêm kích đánh tàu khu trục hạm của Mỹ.
Sân bay dã chiến Khe Gát mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn với không quân, và quân, dân ta. Một sự kiện đặc biệt từ trước đến nay, đây phải nói là một điều kỳ diệu. Sân bay Khe Gát chỉ có một biên đội, một lần xuất kích đánh một trận duy nhất. Được xem là một chiến công hiển hách của không quân Việt Nam. Là huyền thoại trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Sân bay giã chiến Khe Gát nay không còn nguyên trạng, nhưng với sự kiện độc đáo, sân bay được xem là một di tích lịch sử đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh ngày nay có một đoạn đi dọc qua sân bay Khe Gát – trở thành một điểm du lịch khá hấp dẫn trong tuyến du lịch Quảng Bình – khám phá Phong Nha Kẻ Bàng.